Chúng tôi thấu hiểu bạn:
+ Sau một thời gian kinh doanh, giờ là lúc chiếc áo tư nhân, cá thể đã quá nhỏ bé so với bạn, và giờ bạn cần có 1 tư cách pháp nhân để phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, bạn không biết bắt đầu từ đâu, và phải làm những gì để có 1 tư cách pháp nhân đúng luật?
+ Bạn còn rất nhiều những câu hỏi khác như không hiểu tại sao lại lựa chọn là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn (TNHH), tại sao lại lựa chọn là Công ty Cổ phần (CTCP)? Bạn không hiểu tại sao lại có TNHH 1 Thành viên và TNHH 2 thành viên trở lên? Các loại hình công ty như thế này thì có ưu điểm, nhược điểm gì? Ngành nghề kinh doanh của bạn có phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện không?
Chúng tôi – Kế toán ADZ, với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực Kế Toán – Thuế – Đăng ký kinh doanh, sẽ chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm thực tế của chúng tôi với bạn. Để bạn có thể TỰ THÀNH LẬP doanh nghiệp của mình. Quy trình, thủ tục thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp gồm 4 bước sau:
Bước I – Chuẩn bị đầy đủ thông tin cần thiết trước khi làm thủ tục thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp
Bước II – Chuẩn bị xong, tiến hành soạn và nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp mới lên Sở KHĐT
Bước III – Làm con dấu pháp nhân và công bố mẫu dấu
Bước IV – Những nghĩa vụ cần thực hiện sau khi thành lập công ty
Thành lập công ty thì không khó, nhưng duy trì và phát triển công ty bền vững lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bước I, II, III ở trên, nhìn chung là Bạn tìm hiểu theo chỉ dẫn của chúng tôi thì sẽ làm được thôi. Còn bước IV, nếu không thực sự tập trung, tìm hiểu, và làm quyết liệt đến nơi đến chốn, thì thường Bạn sẽ mắc lỗi, thiếu sót ở bước này, dẫn đến các khoản phạt không đáng có. Hãy lưu ý Bạn nhé.
Giờ thì chúng ta bắt đầu tìm hiểu chi tiết công việc cụ thể ở 4 bước thành lập doanh nghiệp như sau:
Bước I – Chuẩn bị đầy đủ thông tin cần thiết trước khi làm thủ tục thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp
(1) Lựa chọn loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty cổ phần. (Tham khảo chi tiết đặc điểm các loại hình công ty/doanh nghiệp tại đây)
(2) Xác định số lượng thành viên (TNHH) hoặc số lượng cổ đông (CTCP), chuẩn bị CMND và bản sao y công chứng CMND hoặc hộ chiếu của các thành viên (TNHH) hoặc các cổ đông (CTCP)
Lưu ý: Bản sao y công chứng CMND chưa quá 3 tháng, thời hạn CMND chưa quá 15 năm.
(3) Xác định chức danh người đại diện theo pháp luật của công ty (thông thường nên để người đại diện theo pháp luật của công ty là Giám Đốc/Tổng Giám Đốc).
(4) Lựa chọn đặt tên công ty. Tốt nhất bạn nên đặt tên công ty ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phát âm, dễ viết và không bị trùng với tên các doanh nghiệp đã thành lập trước đó (để tiện giao dịch và tránh nhầm lẫn). Bạn có thể truy cập vào “Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia” để tra cứu xem có bị trùng với các doanh nghiệp khác không.
(5) Xác định địa điểm trụ sở chính của doanh nghiệp (có thể không kinh doanh chính ở đây, nhưng phải có giao dịch ở đây, cơ quan nhà nước xuống kiểm tra phải có hoạt động ở địa điểm này)
(6) Xác định vốn điều lệ của công ty. Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty. Nên để một mức vốn điều lệ phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tránh trường hợp để vốn điều lệ ít quá, không đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề kinh doanh/quy định đấu thầu, nhưng cũng không nên để nhiều quá, khi thanh tra mà thủ tục góp vốn làm không chuẩn thì sẽ phát sinh rất lằng nhằng.
(7) Xác định ngành nghề kinh doanh khớp theo mã ngành trong hệ thống ngành nghề kinh doanh quốc gia. (Bạn có thể tham khảo: Hệ thống ngành nghê kinh doanh theo Quyết định số 27/2018 tại đây)
Bước II – Chuẩn bị xong, tiến hành soạn và nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp mới lên Sở KHĐT
1- Soạn thảo hồ sơ thủ tục thành lập công ty.
(a) Hồ sơ thành lập công ty TNHH 1 thành viên bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh do đại diện pháp luật công ty ký (theo mẫu qui định);
- Dự thảo điều lệ công ty TNHH 1 thành viên người đại diện theo pháp luật ký từng trang (1 bản);
- Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện pháp luật công ty ( CMND công chứng chưa quá 3 tháng, thời hạn CMND chưa quá 15 năm);
(b) Hồ sơ thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh do đại diện pháp luật công ty ký (1 bản theo mẫu qui định);
- Dự thảo điều lệ công ty TNHH 2 thành viên trở lên được tất cả các thành viên và người đại diện theo pháp luật ký từng trang (1 bản);
- Danh sách thành viên ( 1 bản);
- Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của các thành viên (đối với thành viên là cá nhân). ( CMND công chứng chưa quá 3 tháng, thời hạn CMND chưa quá 15 năm);
- Đối với thành viên là tổ chức: Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập, GCNĐKKD hoặc giấy tờ tương đương khác;
(c) Hồ sơ thành lập công ty cổ phần bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh;
- Dự thảo Điều lệ công ty;
- Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần;
- Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đối với cổ đông sáng lập là cá nhân; ( CMND công chứng chưa quá 3 tháng, thời hạn CMND chưa quá 15 năm);
- Đối với cổ đông sáng lập là tổ chức: Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập, GCNĐKKD hoặc giấy tờ tương đương khác;
2- Nộp hồ sơ đến Phòng đăng ký kinh doanh, Sở KHĐT Hà Nội (Tòa nhà B10A, KĐT Nam Trung Yên, Đường Nguyễn Chánh, Q. Cầu Giấy, Hà Nội)
Hiện nay, hầu hết Doanh nghiệp nộp hồ sơ qua mạng cho Sở KHĐT trước, sau khi nhận được thông báo hồ sơ hợp lệ thì Doanh nghiệp mới nộp hồ sơ gốc. Phần này khá là dài nên bạn tìm hiểu thêm ở đây.
Lưu ý: Người đại diện pháp luật của công ty có thể ủy quyền cho người khác đi nộp thay. Nếu trường hợp ủy quyền thì người được ủy quyền cần có giấy ủy quyền hợp lệ (Điều 9 – Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT ngày 21/01/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Bước III – Làm con dấu pháp nhân và công bố mẫu dấu
(1) Hiện tại, Sở KHĐT thành phố Hà Nội có làm con dấu MIỄN PHÍ cho Doanh nghiệp thành lập mới, bạn có thể lên trực tiếp Sở KHĐT TP.Hà Nội để làm thủ tục (nên làm cách này, thủ tục cũng không khó khan gì cả). Hoặc nếu “trót quên” chưa đăng ký để Sở làm con dấu cho, thì bạn có thể tìm kiếm trên mạng internet dịch vụ làm con dấu. Giá thường rơi vào khoảng 300.000đ/con dấu (nếu trót quên làm Miễn Phí ở trên Sở KHĐT, thì bạn nên khắc dấu tại các đơn vị chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, để tránh việc mẫu dấu bị sai thì sẽ thành vi phạm pháp luật, gặp nhiều rắc rối không đáng có)
(2) Công bố mẫu dấu với Sở KHĐT
Thành phần hồ sơ thông báo mẫu con dấu doanh nghiệp gồm:
- Thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu của doanh nghiệp (Phụ lục II-8)
- Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ.
- Mục lục hồ sơ (ghi theo thứ tự trên).
- Bìa hồ sơ (bằng bìa giấy mỏng hoặc nhựa trong suốt)
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ thông báo mẫu dấu, Doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ qua mạng tại https://dangkykinhdoanh.gov.vn
Nếu hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Thông báo về việc đăng tải thông tin mẫu con dấu của doanh nghiệp.
Bước IV – Những nghĩa vụ cần thực hiện sau khi thành lập công ty
Phần này khá dài và khối lượng công việc nhiều, chúng tôi phải tách riêng ra để các bạn đã hoàn thành xong hoặc gần xong 3 bước ở trên có thể tham khảo chi tiết TẠI ĐÂY